Danh mục dự án
Tết Nguyên Đán luôn là dịp được mong đợi nhất trong năm. Bởi đây là ngày nghỉ lễ dài nhất, để những đứa con xa quê hương có cơ hội được trở về nhà, sum vầy với gia đình. Có lẽ vì thế mà hầu như gia đình nào dù khá giả hay không giàu có đều mong muốn chuẩn bị những gì tốt đẹp nhất cho Tết, đặc biệt là mâm cỗ mùng 1 Tết sao cho đầy đủ, trọn vẹn.
Ý nghĩa mùng 1 Tết
Dân gian có câu “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” nên ý nghĩa ngày mùng 1 Tết cũng được dựa vào câu nói đó. Sở dĩ ngày này được dành cho cha vì theo quan niệm truyền thống Việt Nam, người cha là người có vị trí cao nhất, là trụ cột gia đình.
Còn có câu tục ngữ “Con không cha như nhà không nóc” cho thấy vị trí của người cha vô cùng quan trọng trong gia đình. Được ví như “nóc nhà” chở che cho những thành viên trong gia đình.
Ý nghĩa cúng mùng 1 Tết
Đó là một dịp quan trọng, là ngày đoàn tụ gia đình sau một năm lao động, học tập vất vả. Mâm cỗ Tết luôn đầy ắp các món ăn và được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn thường ngày. Với ý nghĩa cầu mong một năm đủ đầy, sung túc, hạnh phúc nên mâm cỗ mùng 1 Tết của mỗi gia đình đều được bày biện đủ món ăn đẹp mắt, và cầu kỳ.
Không chỉ vậy, mâm cỗ còn thể hiện lòng biết ơn tới tổ tiên, ông bà, những người đã có công xây dựng đất nước, đem lại hòa bình cho dân tộc. Vì vậy, mâm cỗ từ đêm 30 đến hết ngày 3 Tết đều được mọi nhà chuẩn bị tươm tất, kỹ lưỡng.
Mâm cúng mùng 1 Tết
Theo quyển Tín ngưỡng Việt Nam của tác giả Lưu Ánh, mâm cỗ mùng 1 Tết gồm có mâm ngũ quả, hương hoa, giấy vàng mã, đèn, nến, trầu cau, trà, rượu, bánh chưng (hoặc bánh tét). Cỗ mặn hay chay đều được nhưng phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, tươm tất.
Mâm cỗ miền Bắc
Mâm cỗ miền Bắc thường sẽ có 4 bát, 4 đĩa tượng trưng cho tứ trụ, bốn mùa, bốn phương. Ngoài ra, những gia đình còn chuẩn bị tới 6 bát, 6 đĩa hay thậm chí là 8 bát, 8 đĩa.
4 đĩa trong mâm cỗ miền Bắc thường là 1 đĩa gà luộc, 1 đĩa thịt heo, 1 đĩa giò lụa và 1 đĩa chả quế. Và luôn có một đĩa xôi gấc với ước muốn nhiều điều may mắn trong năm mới.
4 bát thường gồm 1 bát chân giò hầm măng, 1 bát miến dong, 1 bát bóng thả và 1 bát mọc nấm thả.
Mâm cỗ miền Trung
Mâm cỗ miền Trung thường đầy ắp các món từ khô đến nước. Đa phần sẽ là những món mặn với gia vị đậm đà như nem lụi, bò nướng sả ớt, gà quay, heo quay, bò nấu thưng, củ cải kho nạc heo, thịt nạc rim,… Bên cạnh đó còn có các món trộn như: thịt gà trộn rau răm, măng trộn, vả trộn, mít trộn làm khai vị.
Món tráng miệng thường là bánh ngũ sắc, bánh sen tán, bánh phục linh, bánh in bột nếp, các loại bánh đậu xanh đủ màu được tạo hình thành hình trái cây vô cùng bắt mắt.
Mâm cỗ miền Nam
Mâm cỗ miền Nam thường đơn giản và phụ thuộc nhiều vào kinh tế gia đình chứ không quá chú trọng đến sự cầu kỳ như miền Bắc.
Thực đơn trong mâm cỗ miền Nam phong phú và không quá gò bó theo một tiêu chuẩn nhất định nào. Thường là lạp xưởng tươi, chả giò chiên, gỏi gà luộc xé phay, kiệu và bánh tét.
Đặc biệt, hai món xuất hiện nhiều trong mâm cỗ đó chính là thịt kho trứng và canh khổ qua. Với mong muốn một năm an lành, sung túc nên gần như không thể thiếu trong mâm cỗ miền Nam.
Mâm cỗ chay
Một số gia đình theo Phật giáo, thay vì chuẩn bị mâm cỗ mặn, họ sẽ chuẩn bị mâm cỗ chay. Một số món ăn thường được mọi người lựa chọn là:
Rau củ xào chay: như cà rốt, bắp non, nấm, cải thảo,…
Đậu hũ: được chế biến theo nhiều cách khác nhau như chiên xù, đậu hũ xào nấm, đậu phụ tứ xuyên,…
Canh nấm chay: Trong mâm cỗ cúng mùng 1 Tết, dù chay hay mặn đều phải có một bát canh. Với canh nấm chay chỉ cần chọn những loại nấm và rau củ mà bạn yêu thích, không cần quá cầu kỳ.
Món xôi: không thể thiếu trong mâm cỗ mặn và chay. Có thể là xôi gấc, xôi đậu xanh, xôi lá dứa,…
Trên đây là những gợi ý mâm cỗ cúng 1 Tết cho 3 miền Bắc, Trung, Nam và cả mâm cỗ chay. Mong rằng qua bài viết này bạn sẽ chuẩn bị một mâm cỗ đầy đủ, tươm tất để dâng ông bà tổ tiên trong dịp đầu năm mới.