Danh mục dự án
Hàng năm, Phật tử trên khắp thế giới thường tổ chức lễ Bồ Tát Quán Thế Âm vào các ngày: 19/2, 19/6 và 19/9 âm lịch. Vậy ý nghĩa của ba ngày vía này là gì?
Bồ tát Quán Thế Âm là ai?
Bồ tát Quán Thế Âm hay còn được gọi là Bồ tát Quán Tự Tại xuất hiện khá nhiều trong các kinh điển Đại thừa như Hoa nghiêm, Lăng nghiêm, Bát nhã Tâm kinh, Pháp hoa, Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương, Đại Từ Đà la ni,… và rất nhiều các ký, sớ, giải, luận về Bồ tát. Ngài được xem là vị Đại bi (theo kinh Pháp hoa) nguyện cứu độ tất cả chúng sinh và bậc Đại trí (theo Bát nhã Tâm kinh) liễu ngộ năm uẩn đều là không.
Ý nghĩa số 19 trong ngày vía Bồ Tát Quán Thế Âm
Mỗi người chúng ta đều có sáu căn đó là mắt, mũi, tai, lưỡi, thân và ý. Sáu giác quan này gọi là sáu trần, mắt thì đối sắc, mũi đối với mùi hương, tai đối với âm thanh, lưỡi đối với vị nếm, thân đối với xúc chạm, ý thì đối với phân biệt.
Sáu căn duyên với sáu trần bên ngoài sinh ra sáu phân biệt được gọi là sáu thức: Thấy, ngửi, nghe, nếm, xúc giác, ý thức. Thức là phân biệt; hễ còn phân biệt còn khổ nên người tu hành phải chuyển thức thành trí (vô sư trí). Có trí thì hết khổ.
Vậy nên sáu căn, sáu trần, sáu thức và Trí là 19, do đó ngày vía Quán Thế Âm là 19.
Ý nghĩa ngày 19/02
Con người thường hay phân biệt, buồn – vui, thương – ghét, thuận – nghịch, sự – lý,…Vì ta chấp trước nên gây ra rất nhiều đau khổ. Nhờ trí tuệ mà chuyển được hai cái chấp đối lập này thành như thật, nhất như không còn chấp trước. Thể hiện cho chơn đế và tục đế, lý sự được viên dung.
Ý nghĩa ngày 19/06
Khi Bồ Tát Quán Thế Âm đã chuyển thức thành trí thì Ngài dùng pháp môn lục độ Ba-la-mật nghĩa là dùng sáu pháp độ chúng sinh qua được bờ giải thoát, giác ngộ: Bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định, trí tuệ.
Bằng cách làm tất cả hạnh nguyện với tinh thần Ba-la-mật, nên viên dung giữa mình và người, không có tâm mong cầu, đồng cảm với cái khổ người. Nhờ thế mà có thể giúp người một cách trọn vẹn.
Ý nghĩa ngày 19/09
Theo pháp môn niệm Phật cho rằng ai thường niệm danh hiệu Phật thì khi mất đi sẽ được vãng sinh Tịnh độ, nhưng tùy vào công năng niệm Phật, tùy phẩm hạnh của thần thức mà vị được vãng sinh mà sẽ có hóa hiện một hoa sen tương ứng. Tựu trung gồm có 9 phẩm sen tương ứng với 9 loại căn cơ phẩm hạnh vãng sinh.
Cửu Phẩm Liên Hoa gồm có: Thượng phẩm, Trung phẩm, Hạ phẩm.
Thượng phẩm gồm có: Thượng phẩm thượng sinh, Thượng phẩm trung sinh, Thượng phẩm hạ sinh
Trung phẩm gồm có: Trung phẩm thượng sinh, Trung phẩm trung sinh, Trung phẩm hạ sinh
Hạ phẩm gồm có: Hạ phẩm thượng sinh, Hạ phẩm trung sinh, Hạ phẩm hạ sinh.
Nên làm gì vào ngày vía Bồ tát Quán Thế Âm?
Có nhiều Phật tử phát nguyện ăn chay, có người đi chùa, có Phật tử phát nguyện trì tụng chú Đại Bi, có những người để tưởng nhớ công đức của Bồ Tát mà in kinh, làm việc thiện và phóng sinh để tạo thêm phước lành.
Nếu không có điều kiện và không biết phải làm gì thì chỉ cần không tạo thêm tội, giữ tâm ý trong sạch, không nói điều ác, không làm điều ác và tha thứ cho mọi người. Hoặc cũng có thể chắp tay nguyện 3 điều sau:
Xin nguyện yêu thương bản thân
Yêu bản thân có nghĩa là yêu hết toàn thân tâm của mình, luôn chấp nhận con người thật của mình, cả mặt xấu lẫn mặt tốt. Khi biết yêu bản thân sẽ giúp chính mình có cơ hội phát triển, hoàn thiện bản thân hướng tới những điều tốt đẹp.
Yêu bản thân giúp chúng ta khắc phục điểm yếu, phát huy điểm mạnh và quan tâm, giúp đỡ những người xung quanh. Làm như vậy là chúng ta đang tuân theo đại nguyện của Quán Thế Âm Bồ Tát.
Xin nguyện nhẫn nhục trước mọi hoàn cảnh
Nhờ sự nhẫn nhục của mình, Bồ Tát đã vượt qua được nhiều khổ nạn. Luyện tập tính kiên nhẫn của Ngài cũng là một điều rất tốt. Nhẫn nhịn giúp chúng ta giữ được tâm tĩnh lặng trong mọi hoàn cảnh, thuận lợi cũng như khó khăn. Tuy nhiên, chúng ta nên nhẫn để tâm được thoải mái, không nên nhẫn nhịn nghĩ đến việc trả thù. Đó không phải là điều Bồ Tát muốn chúng ta làm.
Xin nguyện lắng nghe nỗi thống khổ của mọi người xung quanh
Lắng nghe rất tốt, nó không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn nỗi khổ, nỗi buồn của những người xung quanh, giúp chúng ta hiểu họ hơn mà còn giúp chúng ta phát triển lòng từ bi. Nhờ đó, chúng ta có thể giúp đỡ họ, xoa dịu những vấn đề họ đang gánh chịu, hay ít nhất có thể giúp họ cảm thấy thoải mái khi được giải bày những chất chứa trong tâm hồn.
Ngày vía Bồ Tát Quan Thế Âm là một ngày quan trọng để tăng cường niềm tin và tình yêu thương trong lòng mỗi người Phật tử. Trong ngày này, chúng ta có thể nguyện cầu yêu thương bản thân, nhẫn nhục trước mọi thuận cảnh và nghịch duyên, và lắng nghe sâu sắc nỗi thống khổ của mọi người xung quanh. Bằng cách thực hiện những hành động nhỏ này, chúng ta có thể rèn luyện và trở nên tốt hơn trong cuộc sống.