Danh mục dự án
Sau khi quy y, người Phật tử cần phải giữ năm giới. Đức Phật tạo ra năm giới luật này vì lòng từ bi đối với chúng sinh để làm cho cuộc sống của họ được an lạc và hạnh phúc. Giữ năm giới này là cho mình chứ không phải cho Phật.
Ngũ giới là gì?
Ngũ Giới là năm điều răn cấm mà Phật chế định cho người Phật tử, nhằm để ngăn những tưởng niệm ác, nói năng chẳng lành, hành động bất chính.
Năm điều răn cấm ấy là:
- Không sát sinh
- Không trộm cướp
- Không tà dâm
- Không nói sai sự thật
- Không uống rượu
Đặc điểm của Ngũ Giới
Không sát sinh
Điều thứ nhất Đức Phật khuyên chúng ta là không được giết hại chúng sinh, từ con người đến loài vật. Sự sống là một giá trị quý giá, đặc biệt là sự sống con người; giết một sanh mạng kia để tô bồi cho sanh mạng này là một điều ác, trái với đạo lý.
Vì sao Phật giáo cấm sát sinh?
Tôn trọng sự công bằng
Chúng ta đều coi mạng mình là quý, là một của báu tuyệt đối. Nếu ai mưu hại thì mình chống trả triệt để bảo vệ mạng sống. Mình biết quý trọng sinh mạng mình, tại sao lại muốn chà đạp sinh mạng người khác?
Cũng vậy, các loài vật cũng biết quý trọng mạng sống của chúng. Như khi một con bò hay một con lợn sắp bị chọc tiết, ta thấy sự phản kháng mãnh liệt, sự đau đớn của chúng bằng những tiếng kêu la, giãy giụa.
Thế nên điều ta không muốn ai làm cho ta đau khổ thì ta cũng đừng làm cho người khác hay loài vật khác phải khổ đau. Đức Phật dạy “Ai ai cũng sợ gươm đao, ai ai cũng sợ chết chóc. Vậy nên lấy lòng mình suy lòng người, chớ giết, chớ bảo giết!”.
Tôn trọng Phật tánh bình đẳng
Mỗi chúng sinh tuy có một thân hình khác nhau nhưng vẫn có chung một Phật tính. Vì Phật tính bình đẳng nên không có lý do gì để nói rằng Phật tính ở con người quý hơn loài vật, ở giai cấp này, màu da này, có giá trị hơn ở giai cấp kia, màu da kia. Giết hại một sinh vật là sát hại Phật tính.
Nuôi dưỡng lòng từ bi
Nhẫn tâm vô cớ sát hại một con vật thì tính bạo ác không kém giết một mạng người. Nhẫn tâm làm cho người khác hay vật khác phải giãy giụa, quằn quại trong máu đào, trong lệ nóng trước khi trút hơi thở cuối cùng là đang tự giết lòng từ bi của mình, là bóp chết cái mầm thương yêu quý báu trong tâm hồn mỗi chúng ta. Như thế khó mà tu hành thành chính quả được.
Tránh nhân quả báo ứng oán thù
Khi ta giết một người hay một con vật thì chúng sẽ sinh sự oán giận với ta, chờ cơ hội trả thù, hoặc chờ con cháu, người thân trả thù. Cứ như thế, mỗi ngày chúng ta gieo lòng căm thù người, vật, tích lũy lâu ngày khối oan gia ấy to hơn sức ta, khi đó ta sẽ bị nó sát hại lại.
Không trộm cướp
Giới thứ 2 trong Ngũ Giới của Đạo Phật là không trộm cướp.
Trộm cắp là lấy đồ của người khác mà không có sự đồng ý của họ hoặc ép buộc họ phải đồng ý bằng vũ lực hoặc quyền hành. Những thứ quý giá như nhà cửa, ruộng vườn, tiền bạc, đá quý, thậm chí cả những thứ tầm thường như lá rau, ớt,… người ta không cho mà bạn cố tình lấy đều là trộm cướp.
Vì sao Phật giáo cấm trộm cướp ?
Tôn trọng sự công bằng
Chúng ta không muốn ai lấy của mình có thì tại sao lại muốn cướp đoạt của người khác? Chúng ta tôn trọng quyền sở hữu cá nhân của mình, vậy tại sao chúng ta lại chà đạp lên quyền sở hữu của người khác? Làm như vậy là trái lẽ công bằng. Một xã hội không có sự công bằng không thể tồn tại lâu dài.
Tôn trọng sự bình đẳng
Mỗi người đều có Phật tính như nhau, tại sao ta lại làm khổ người khác để ta được sung sướng? Tại sao ta lại muốn hưởng những đặc ân bất chính trong khi ta cũng chỉ là một con người bình thường như bao con người khác?
Nuôi dưỡng lòng từ bi
Chỉ những người không có lòng thương người, tán tận lương tâm mới có thể làm những việc đen tối như vậy. Còn ta, là Phật tử, đang cố gắng nuôi dưỡng lòng từ bi, ta không thể trộm cướp của ai được.
Tránh nghiệp báo oán thù
Trong một xã hội có tổ chức, tôn trọng công bằng thì tội trộm cướp luôn bị trừng phạt. Nhưng nếu luật pháp thế gian không trừng trị thì người trộm cướp cũng không thể thoát khỏi luật nhân quả nghiệp báo. Trộm cướp của người sẽ bị người trộm cướp lại, gây bao thù oán khổ đau.
Không tà dâm
Tà dâm là nói về sự dâm dục phi lễ, phi pháp. Phật dạy người xuất gia phải dứt hẳn dâm dục, còn người tại gia thì không được tà dục.
Vì sao Phật giáo cấm tà dâm?
Tôn trọng sự công bằng
Ai cũng mong muốn gia đình mình êm ấm, yên vui, hạnh phúc, vợ con mình đoan chính thì tại sao lại phá hoại gia đình, đưa vợ con người vào con đường dâm loạn.
Bảo vệ hạnh phúc gia đình
Nếu người chồng quan tâm đến vợ con người thì chính vợ con của họ cũng lăm le vạch rào sang nhà kẻ khác rồi. Nếu họ phá hoại hạnh phúc gia đình người khác thì hạnh phúc gia đình của chính họ cũng tan vỡ trước tiên. Vì vậy, việc cấm tà dâm là điều kiện cần thiết để xây dựng hạnh phúc cho gia đình mình và gia đình người khác.
Tránh oán thù và quả báo xấu xa
Trong các sự oán thù, không có sự oán thù nào mãnh liệt bằng sự oán thù do lừa dối hay phụ bạc về tình ái gây ra. Các cuộc án mạng xảy ra phần lớn là kết quả của tà dâm.
Không nói sai sự thật
Nói sai sự thật nghĩa là nói những lời không đúng sự thật nhằm mưu cầu lợi mình hại người.
Nói sai sự thật có 4 cách: nói dối, nói lưỡi hai chiều, nói thêu dệt, nói lời hung ác. Những người có tâm nói dối thì lời nói và hành động của họ trước sau bất nhất.
Vì sao Đức Phật cấm nói dối?
Nuôi dưỡng lòng từ bi
Cái động lực chính của sự dối trá là ích kỷ, ác độc, muốn hại người để thỏa lòng dục vọng đen tối của mình. Người bị lừa dối phải đau khổ vì mình, có khi phải mắc thù vương oán, có khi phải tán gia bại sản.
Người tu hành mà làm vậy là đã tán tận lương tâm, đã bóp chết tình thương trong lòng họ rồi. Một khi lòng từ bi không còn, nghĩa là cái động lực chính đã mất, thì việc tu hành chỉ còn là giả dối, lừa bịp người và tất nhiên không bao giờ có kết quả tốt.
Giữ gìn sự trung tín trong xã hội
Trong một gia đình, một tập thể, một xã hội không ai tin tưởng ai thì mọi công cuộc từ nhỏ đến lớn đều sẽ thất bại. Đạo Nho, Đức khổng Tử có dạy: một trong năm đức căn bản là lòng tin: “Nhân vô tín bất lập”. Hạnh phúc gia đình và xã hội không thể có được bằng sự dối trá, nghi ngờ, đố kỵ.
Tránh nghiệp báo khổ đau
Nói ly gián nói xuyên tạc là để hại người thì thế nào người cũng hại lại. “Ác lai ác báo” là vậy. Để tránh sự thù hằn, tránh nghiệp dữ, ta không nên dối trá, điêu ngoa.
Không uống rượu
Với giới thứ 5 trong ngũ giới là không được uống rượu, tất cả những thứ có chất men làm say người hay chất độc hại người đều không được uống.
Vì sao Phật cấm uống rượu?
Bảo toàn hạt giống trí tuệ
Rượu là thứ còn nguy hiểm hơn thuốc độc. Một chén thuốc độc ta uống vào sẽ chết ngay, nhưng chỉ chết một thân hiện tại chứ rượu uống vào làm mất đi trí tuệ, phải chết đi sống lại vô số kiếp. Vì thế, để bảo toàn hạt giống trí tuệ quý báu nên Phật cấm uống rượu.
Ngăn ngừa những nguyên nhân gây ra tội lỗi
Bản thân rượu không phải là một tội lỗi như sát sinh, trộm cắp hay tà dâm nhưng nó có thể là nguyên nhân sinh ra những tội lỗi kia. Khi con người đã uống rượu vào say sưa thì tội nào cũng có thể phạm phải.
Theo lời Phật dạy, 10 tác hại khi uống rượu:
- Của cải rơi mất.
- Tăng trưởng lòng giết hại.
- Trí tuệ kém dần.
- Sự nghiệp chẳng thành.
- Thân tâm nhiều khổ.
- Thân hay tật bệnh.
- Tâm sân hận bồng bột, ưa tranh cãi nhau.
- Phúc đức tiêu mòn.
- Tuổi thọ giảm bớt.
- Mạng chung đọa vào địa ngục.
Một xã hội mà mọi người đều thực hiện được Năm giới cấm ấy, thì đó là một xã hội công bằng, văn minh và phồn thịnh nhất thế giới.