5 loại rau quen thuộc được lương y dùng làm thuốc

0
32

Rau má, rau sam, dền cơm… là các loại rau không chỉ dùng làm thực phẩm mà còn được các lương y sử dụng làm thuốc.

Rau sam 

Rau sam, hay mã xỉ hiện, là loại rau mọc dại phổ biến ở cả châu Âu và châu Á. Loại cây này có vị chua, tính hàn, không độc, vào ba kinh: tâm, can, tỳ. Tuy nhiên, người có tỳ vị hư hàn hoặc bị tiêu chảy không nên dùng. 

Giàu vitamin A, B, C cùng nhiều vi chất, rau sam mang đến nhiều lợi ích sức khỏe, như làm co nhỏ mạch máu, ức chế sự phát triển của vi trùng lỵ, vi trùng thương hàn và trực khuẩn E.coli. Người Việt còn dùng rau sam giã nát để đắp mụn nhọt, làm thuốc lợi tiểu, và hỗ trợ tẩy giun kim.

Rau sam giàu vitamin A, B, C cùng nhiều vi chất, rau sam mang đến nhiều lợi ích sức khỏe,

Rau diếp cá

Rau diếp cá hay còn gọi là rấp cá, diếp cá, giấp cá, dấp cá, ngư tinh thảo. Loại cây này ưa chỗ ẩm ướt, lá hình tim, thường ăn với cá.

Theo Đông y, diếp cá có vị cay, hơi lạnh, hơi độc; được dùng chữa phế ung, trĩ, lở loét. Người dân dùng cây diếp cá trong trường hợp tụ máu (giã nhỏ lá, ép vào giấy bản rồi đắp) hoặc bị trĩ (sắc nước uống, sắc nước lấy hơi xông rồi rửa). Bên cạnh đó, diếp cá còn có tác dụng thông tiểu, chữa mụn nhọt, kinh nguyện không đều.  

Dền cơm 

Đây là loại cây quen thuộc được lương y dùng làm thuốc nhờ có nhiều chất bổ, như vitamin C, B1, B2, vitamin PP, carotene, các hợp chất ethylcholesterol, dehydrocholesterol… Lá và cành non dền cơm nấu canh có tác dụng tiêu viêm và giải độc; trị mụn nhọt và lỵ. Hạt dền cơm có vị ngọt, tính hàn, thường được sử dụng trong các bài thuốc giúp át gan, thanh nhiệt, ích khí, sáng mắt. 

Dền đỏ dùng vỏ cây sắc uống chữa thiếu máu, kinh nguyệt không đều, lá cây sắc uống chữa đau nhức, tê thấp. Vỏ cây dền còn được tán bột hoặc ngâm rượu dùng làm thuốc bổ, chữa sốt rét. 

Đây là loại cây quen thuộc được lương y dùng làm thuốc nhờ có nhiều chất bổ.

Rau má

Rau má, hay tích tuyết thảo, liên tiền thảo, là loài cây mọc hoang ở các nước nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. 

Theo Đông y, rau má có tính bình, không độc có tác dụng giải nhiệt, giải độc, thông tiểu, chữa thổ huyết, tả lỵ, khí hư, và lợi sữa. Khi kết hợp với nhọ nồi, rau má hỗ trợ cầm máu hiệu quả. Các bài thuốc thường sử dụng lá rau má tươi vò nát lấy nước uống.

Ngải cứu 

Ngải cứu có tên gọi khác là thuốc cứu, thuốc cao, ngải diệp, thuộc họ cúc, là loại cây mọc hoang nhiều nơi. 

Theo Đông y, ngải cứu là vị thuốc có tính ôn, vị cay, dùng làm thuốc ôn khí huyết, an thai, điều kinh, chữa đau bụng do hàn, thai động không yên, kinh nguyệt không đều, thổ huyết, máu cam. 

Ngoài ra, cây còn được dùng để hỗ trợ tiêu hóa, chữa đau bụng, nôn mửa, trị giun và sốt rét. Người dân có thể hãm ngải cứu với nước sôi, sắc với nước, uống dạng bột, thuốc cao đặc. 

Các loại rau như rau sam, dền cơm, rau má, ngải cứu, diếp cá đều là vị thuốc quý. Tuy nhiên, cần tham khảo bác sĩ Đông y để sử dụng đúng cách, an toàn và hiệu quả.

Nguồn: VietNamNet

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here