5 lợi ích của việc nghe pháp mỗi ngày

0
14

Nghe Pháp là được phúc báu; Nghe pháp được công đức; Nghe pháp có thể tiêu trừ tội lỗi, chuyển hóa nghiệp chướng, có thể đắc đạo. Nghe Phật pháp rất quý báu. Bất kể bạn nghe ở đâu, dù bạn nghe ở nhà, trên mạng, hay trên đài, truyền hình, đều được và có công đức.

Nghe Pháp giúp chúng ta nghe được những điều chưa nghe, chưa biết

Kiến thức trên thế gian là vô tận và chỉ có bậc Giác Ngộ như Đức Phật mới có thể hiểu thấu đáo mọi vấn đề.

Học lời Phật dạy qua những bài giảng Pháp của các Thầy sẽ giúp chúng ta có cái nhìn đúng đắn về mọi sự vật, hiện tượng trên thế giới xung quanh; Đồng thời, nó còn giúp chúng ta nâng cao kiến thức xã hội vì Phật Pháp có tính ứng dụng cao trong cuộc sống.

Đức Phật dạy rằng lợi ích đầu tiên của việc nghe Pháp là nghe được những điều mình chưa biết, chưa nghe. Thông qua các bài giảng Pháp, ngoài kinh Pháp của Phật, các Thầy còn mang đến cho người Phật tử nhiều giá trị và lợi ích về mặt thực hành, tâm linh và cả kiến thức trong cuộc sống.

Nghe Pháp giúp chúng ta nghe được những điều chưa nghe, chưa biết

Nghe Pháp làm trong sạch điều đã được nghe

Từ vô thủy kiếp cho đến nay, do vô minh mà chúng ta đã tin vào nhiều quan điểm tà kiến sai lệch. Trong đời này, chúng ta cũng tin vào những quan điểm sai lầm, không đúng Pháp. 

Theo Đại đức Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Lợi ích thứ hai của việc nghe Pháp là làm trong sạch điều đã được nghe, những gì ta đã được nghe từ trước. Hôm nay nghe Pháp giúp mình được trong sạch điều đã được nghe.”

“Trong sạch” có nghĩa là lọc bỏ những điều nghe chưa rõ ràng, hiểu chưa thấu đáo, lần này nghe là rõ ràng minh bạch. Gọi là làm trong sạch điều mình đã được nghe”. Từ đó chúng ta thấy nhờ nghe pháp mà chúng ta dần dần hiểu được những gì mình đã nghe và đã biết. Đồng thời, thanh lọc và loại bỏ những hiểu biết sai lầm để chúng ta có thể mở mang trí tuệ, tỏ ngộ chân tâm, và vững bước trên con đường học Phật.

Nghe Pháp giúp chúng ta tiêu trừ nghi ngờ

Trước đây, nếu không nghe Pháp, thì mình nghi ngờ, bán tín bán nghi. Nghi ngờ là một trở ngại cho sự tu tập. Nghi ngờ dẫn đến không tin vào Phật Pháp, đó là một trong năm chướng ngại cản trở sự tu tập của chúng ta. Nếu có nghi ngờ thì không có niềm tin. Nghi ngờ có nghĩa là không tin tưởng, cho nên nghi ngờ là một chướng ngại. Nhưng nhờ lắng nghe Pháp, những nghi ngờ có thể được tiêu trừ. Khi những nghi ngờ được loại bỏ, lòng tin tăng trưởng. 

Nghe Pháp Phật làm cho tri kiến được chính trực

Nhờ nghe Phật pháp, quý vị sẽ được lợi ích, làm cho tri kiến của quý vị trở nên chính trực, chân thực, chính trực và không sai lạc. Điều này quý báu đến mức Đức Phật gọi là chánh tri kiến. Đầu tiên trong Bát Thánh Đạo.

Nếu tri kiến của chúng ta là chính trực, chúng ta sẽ làm chủ được bản thân, tự tại trước những điều chúng ta thấy và nghe trong cuộc sống. Nếu bạn nhất tâm tin vào lời dạy của Đức Phật, bạn sẽ tránh xa những quan điểm sai lầm, tà kiến.

Nghe Pháp Phật làm cho tri kiến được chính trực

Nghe Pháp giúp tâm mình được tịnh tín, có lòng tin đầy đủ

Đối với những người học Phật, lòng tin rất quan trọng. Bởi niềm tin giống như cánh cửa dẫn ta vào đạo, giúp chúng ta tiến bước trên con đường tu tập. Vậy tâm tịnh tín là gì và làm thế nào để tâm được tịnh tín?

Lợi ích thứ năm của việc nghe Pháp là làm cho tâm được tịnh tín, tâm được trong sạch, lòng tin đầy đủ. Tịnh tín ở đây là tin trong sạch; tin trong sạch là tin không hoài nghi. 

Người học Phật không thể thiếu tâm tịnh tín với Tam Bảo. Muốn có niềm tin tịnh tín vào Tam Bảo thì cần phải nghe và thực hành Phật pháp để xây dựng cho mình một niềm tịnh tín, kiên định, không thể lay chuyển.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here