Danh mục dự án
Trong một năm, Phật tử khắp nơi trên thế giới thường làm lễ vía Bồ Tát Quán Thế Âm vào 3 ngày đó là 19/02, 19/06 và 19/09 âm lịch. Vậy ý nghĩa số 19 trong ngày vía Bồ Tát Quán Thế Âm là gì?
Ý nghĩa con số 19 trong ngày vía Bồ Tát Quán Thế Âm
Mỗi người chúng ta đều có sáu căn, đó là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Sáu giác quan này có sáu đối tượng được gọi là sáu trần, mắt thì đối sắc, tai đối với âm thanh, mũi thì đối với mùi hương, lưỡi đối với vị nếm, thân đối với xúc chạm, ý đối với phân biệt.
Sáu căn với sáu trần bên ngoài sinh ra sáu phân biệt gọi là sáu thức: Thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc giác, ý thức. Thức là phân biệt; khi nào còn phân biệt thì vẫn còn khổ nên người tu phải chuyển thức thành trí (vô sư trí). Có trí thì mới hết khổ.
Vậy nên sáu căn, sáu trần, sáu thức và Trí là 19, do đó ngày vía Quan Thế Âm là 19.
Ý nghĩa ba ngày vía Bồ Tát Quán Thế Âm là gì?
Ý nghĩa ngày 19/02
Con người thường hay phân biệt buồn – vui, thương – ghét, thuận – nghịch, sự – lý,.. Bởi ta chấp trước mà gây ra nhiều đau khổ. Nhờ vào trí tuệ mà chuyển được hai cái chấp đối nghịch này thành như thật, nhất như không còn chấp trước.
Ý nghĩa ngày 19/06
Khi Bồ Tát Quán Thế Âm đã chuyển thức thành trí thì Ngài dùng pháp môn lục độ Ba-la-mật tức là sáu pháp độ chúng sinh đến bờ giải thoát, giác ngộ: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ.
Do làm tất cả các hạnh nguyện với tinh thần Ba-la-mật, nên viên dung giữa mình và người, không còn tâm mong cầu sở hữu, đồng cảm với cái khổ của người. Nhờ vậy mà giúp được người một cách trọn vẹn.
Ý nghĩa ngày 19/09
Theo pháp môn niệm Phật cho rằng nếu ai niệm danh hiệu Phật thì khi mất đi sẽ được vãng sinh Tịnh độ; nhưng tùy công năng niệm Phật, tùy vào phẩm hạnh của thần thức vị được vãng sinh mà sẽ hóa hiện một hoa sen tương ứng. Tựu trung có 9 phẩm sen tương ứng với 9 loại căn cơ phẩm hạnh vãng sinh.
Cửu Phẩm Liên Hoa gồm: Thượng phẩm, Trung phẩm và Hạ phẩm.
Thượng phẩm bao gồm: Thượng phẩm thượng sinh, Thượng phẩm trung sinh, Thượng phẩm hạ sinh
Trung phẩm bao gồm: Trung phẩm thượng sinh, Trung phẩm trung sinh, Trung phẩm hạ sinh
Hạ phẩm bao gồm: Hạ phẩm thượng sinh, Hạ phẩm trung sinh, Hạ phẩm hạ sinh.
Nguồn: Phật giáo Việt Nam