Sống thiện nhưng chưa gặp quả lành, vì sao? Phải chăng chúng ta chưa đủ tốt, hay nhân quả không đúng với tất cả mọi người?
Trong những lúc khó khăn của cuộc sống, chắc hẳn chúng ta đều từng tự hỏi: “Tại sao mình sống tốt mà lại không thấy kết quả tốt, thậm chí còn gặp phải điều xấu?”.
Có người tự hỏi xong thì tiếp tục làm phước, tích đức với mong muốn cải mệnh vận mệnh. Một số người lại ngừng cố gắng, cho rằng số phận đã “an bài”, mất niềm tin vào nhân quả, không còn động lực để tiếp tục sống thiện lương, thả trôi cuộc đời mình theo những cám dỗ, thói hư tật xấu của xã hội.
Theo Thượng tọa Thích Giải Hiền – Ủy viên thường trực Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương GHPGVN, cho rằng mọi người trên cõi đời này đều sẽ chịu sự chi phối của luật nhân quả. Chúng ta phải hiểu “ba đời nhân quả”. Chúng ta gieo trồng một số nhân trong đời này, nhưng phải mất nhiều đời mới thấy được kết quả.
Cũng chính vì nhân quả ba đời, nếu nghiệp chướng ở đời trước rất nặng nề thì “quả báo” để lại ở đời này sẽ nằm ngoài khả năng dự đoán và kiểm soát của chúng ta. Nếu không hiểu triết lý này, chúng ta dễ cảm thấy cuộc sống thật bất công và luật nhân quả là không có thật.
Luật nhân quả là kim chỉ nam quan trọng để con người sống lương thiện. Khi niềm tin vào luật nhân quả bị lung lay, tâm trí chúng ta dễ bị ô nhiễm bởi sự đố kỵ, oán giận và so sánh với những người xung quanh. Đặc biệt nếu xung quanh chúng ta là những người sống vô đạo đức nhưng vẫn hạnh phúc và đủ đầy, “kim chỉ nam” của chúng ta sẽ dễ bị phá vỡ hơn.
Chỉ khi hiểu được nghiệp báo và nhân quả ba đời, ta mới có thể đối mặt với đau khổ với tâm thái an nhiên, không trách móc, oán giận. Điều quan trọng nhất là chúng ta sẽ giữ vững niềm tin và tiếp tục tích lũy công đức, phước lành cho bản thân, cho dù “quả” ngọt ngào có thể không đến ngay như chúng ta thường hy vọng. Nhưng khi nghiệp báo tiền kiếp đã trả hết thì nhất định quả lành sẽ đến với bạn.