Bị sỉ nhục, bị xúc phạm là điều khó tránh khỏi trong cuộc sống mỗi người. Khi gặp phải vấn đề này, nhiều người không biết cách chấp nhận, giải quyết và trở nên trầm cảm, suy sụp tinh thần. Vậy làm sao chúng ta có đủ bản lĩnh để đối mặt và vượt qua nỗi đau khổ khi bị sỉ nhục?
Khi bị sỉ nhục phải làm sao?
Khi bị sỉ nhục, nhiều người thường rơi vào trạng thái mệt mỏi, suy sụp tinh thần, vì vậy để giúp con người biết cách ứng xử khi bị sỉ nhục, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh đã chia sẻ ba phương pháp xử lý theo quan điểm Phật giáo như sau.
Bình tĩnh nhận định xem lời sỉ nhục đó đúng hay sai
Đầu tiên, Sư Phụ chia sẻ: “Đầu tiên chúng ta phải nhận định xem việc người khác xúc phạm mình, nói xấu mình, cha mẹ, người thân là đúng hay sai? Nếu họ sỉ nhục và chửi bới bạn mà đúng sự thật. Nghĩa là vì bạn đã làm sai hoặc mắc lỗi nên họ chửi bới, sỉ nhục. Khi nhận ra đúng là mình sai thì phải hoan hỷ nhận lỗi, sửa chữa, trau dồi để bản thân ngày càng tốt hơn. Chúng ta phải bình tĩnh và xem xét lại.”
Vì vậy, khi người khác sỉ nhục hay xúc phạm mình, chúng ta cần bình tĩnh lắng nghe và nhận định xem điều họ nói là đúng hay sai. Nếu họ nói sự thật thì chúng ta không nên tức giận mà hãy chấp nhận để hoàn thiện bản thân.
Lên tiếng khi lời sỉ nhục không đúng sự thật
Trong trường hợp lời sỉ nhục của người khác là sai sự thật, thậm chí gây tổn hại đến danh dự, nhân phẩm của mình, chúng ta nên bình tĩnh để có cách ứng xử phù hợp.
Sư Phụ chia sẻ: “Thứ hai, nếu sự sỉ nhục, chửi rủa đó là sai và không đúng sự thật thì sao? Trong kinh, Đức Phật dạy chư Tăng, nếu có người nói xấu, nhục mạ chúng Tăng, hay vu khống Tăng đoàn; Nếu trong Tăng đoàn không có chuyện đó thì chư Tăng phải lên tiếng nói rõ ràng: “Việc này không có trong chúng tôi; Việc này không xảy ra giữa chúng tôi; điều đó không đúng; nói không đúng sự thật với chúng tôi”. Đức Phật đã dạy chư Tăng như vậy.”
Từ lời dạy của Đức Phật, Thầy còn chia sẻ thêm: “Vậy người thế gian chúng ta cũng vậy. Nếu họ lăng mạ hay chửi mình chúng ta không đúng sự thật, nếu họ xúc phạm chúng ta một cách vô căn cứ thì chúng ta có quyền lên tiếng. Chúng ta nói đó là không đúng và yêu cầu xem xét lại. Nếu họ làm nữa thì chúng ta có thể nhờ pháp luật can thiệp để xử lý.”
An nhẫn khi biết là nghiệp quả
Ngoài hai cách trên, Sư Phụ còn đưa ra một phương pháp để chúng ta tham khảo khi bị sỉ nhục, đó là an nhẫn để vượt qua: “Còn một trường hợp nữa, nếu chúng ta biết rằng sự sỉ nhục, chửi rủa này là nghiệp quả thì cần phải nhẫn nhục và chịu đựng để vượt qua. Có những trường hợp bị sỉ nhục là nghiệp quả do chúng ta đã tạo ở tiền kiếp và phải trả ở kiếp này. Nếu biết đó là nghiệp chướng thì chúng ta hãy an nhẫn nhé.”
Tuy nhiên, trong trường hợp trên, Sư Phụ cũng có lời khuyên cho Phật tử: “Chúng ta chưa phải bậc Thánh, không biết đó có phải là nghiệp cũ hay không, thì chúng ta nên xử lý theo cách thứ hai. Nếu thực sự chúng ta không có thì hãy nói rõ chúng tôi không có việc đó. Đề nghị các vị xem xét lại lời nói của mình và mời pháp luật can thiệp.”
Trên đây là những lời chia sẻ của Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh về cách xử lý khi bị sỉ nhục. Hy vọng bài viết này sẽ mang lại lợi ích, giá trị thiết thực để quý Phật tử và độc giả áp dụng vào cuộc sống, từ đó được an lạc, hạnh phúc hơn trước mọi sóng gió của cuộc sống.