Đức Phật là ai ? Giáo pháp, tăng đoàn, quy y, ngũ giới trong Đạo Phật

0
15

Đức Phật hay Bậc Giác Ngộ nghĩa là người đã biết và tỉnh thức, là một danh xưng cao quý dành cho bậc hiền thánh ở Ấn Độ, Gotama, người đã chứng ngộ và tuyên thuyết cho thế giới về Chân Lý của sự Giải Thoát, mà ngày nay được biết đến với tên gọi Phật Giáo.

Giới thiệu về Đức Phật

Ngài sinh vào thế kỷ thứ 6 TCN, tại Kapilavatthu, là con trai của vị vua cai trị Sakya, một tiểu quốc nằm ở biên giới giữa Ấn Độ và Nepal ngày nay. Tên ngài là Siddhattha, thuộc dòng họ Gotama. Ở tuổi 29, Ngài từ bỏ cuộc sống vương tử tráng lệ và sự nghiệp vương quyền, trở thành một người hành khất không nhà, nhằm tìm ra con đường giải thoát khỏi thế giới đầy đau khổ này.

Sau 6 năm tìm kiếm, gặp nhiều thầy dạy tâm linh khác nhau cùng một thời gian tu khổ hạnh đầy gian nan. Cuối cùng, Ngài cũng chứng đạt được sự Toàn Hảo Giác Ngộ dưới gốc cây Bồ đề ở Gayā (ngày nay là Bodhigayā). Theo sau đó là 45 năm của sự thuyết giảng và truyền dạy không biết mệt mỏi. Và đến năm thứ 80 của cuộc đời, viên tịch tại Kusinara “một chúng sinh vô nhiễm, xuất hiện ở đời, vì hạnh phúc và tốt đẹp cho muôn loài”.

Đức Phật không phải là một vị thần hay một nhà tiên tri hay một hóa thân của thần thánh, mà Ngài là một con người siêu việt, nhờ nỗ lực của chính mình, đã đạt được Giải Thoát Tột Cùng và Trí Tuệ Toàn Hảo.

Giới thiệu về Đức Phật

Giáo pháp của Đức Phật là gì?

Giáo Pháp là những lời dạy về con đường Giải Thoát do Đức Phật khám phá, chứng đắc và thuyết giảng. Giáo Pháp được truyền qua ngôn ngữ cổ Pali và được bảo tồn trong ba bộ sách lớn, được gọi là Tam Tạng (Ba Giỏ). Cụ thể là: (I) Luật tạng, là những quy tắc và giới luật của người xuất gia; (II) Kinh Tạng, bao gồm các bài giảng, đối thoại, thi kệ, v.v. thảo luận về những lời dạy được tóm tắt trong Tứ Diệu Đế. (III) Luận Tạng, hay Vi Diệu Pháp, gồm những lời giảng trong Kinh Tạng theo một hệ thống chặt chẽ và dưới hình thức triết học.

Tăng Đoàn đầu tiên của Đức Phật

Tăng Đoàn là một hội chúng, một cộng đồng – là tổ chức của các Tỳ-kheo (người hành khất), được thành lập bởi Đức Phật và vẫn tồn tại giống như hình thức ban đầu của nó ở các nước Thái Lan, Myanmar, Sri Lanka, Campuchia, Lào. 

Tăng Đoàn, cùng với Giáo Hội Đạo Jain, là cộng đồng tu sĩ lâu đời nhất thế giới còn tồn tại đến ngày nay. Và trong số những đệ tử nổi tiếng nhất vào thời Đức Phật có: Sariputta, chỉ sau thầy mình, có hiểu biết uyên thâm nhất về Giáo Pháp; Ananda, người đồng hành và hầu cận trung thành nhất của Đức Phật; Moggalana, là người có thần thông đệ nhất; Māha Kassapa, là trưởng lão chủ trì hội nghị kết tập Kinh điển diễn ra sau khi Đức Phật viên tịch; Anuruddha, mắt thần đệ nhất và bậc thầy về chánh niệm; Rahula là con trai ruột của Đức Phật.

Tăng Đoàn đầu tiên của Đức Phật

Quy y tam bảo trong Đạo Phật

Bởi sự thuần khiết vô song của mình nên Đức Phật, Giáo Pháp và Tăng Đoàn được gọi là “Tam Bảo” (Ba viên ngọc quý). Đối với người Phật tử, đó là những báu vật quý giá nhất trên đời. Ba viên ngọc quý này còn tạo nên nơi nương tựa Tam Bảo (Quy y Tam Bảo) cho những ai theo đạo Phật. Ở đây bằng lời nói, một người tuyên xưng, khẳng định và chấp nhận Phật, Pháp và Tăng là chỗ dựa và là kim chỉ nam cho cuộc đời của mình.

Ngũ giới trong Đạo Phật

Theo sau nghi thức Quy y Tam Bảo, người Phật tử cần phải giữ năm giới (Ngũ Giới). Sự tuân thủ này là tiêu chuẩn tối thiểu để một người có được nền tảng cho một cuộc sống tử tế và tiến xa hơn trên con đường Giải Thoát. Trong đó, Ngũ giới bao gồm: 

  • Không sát sanh
  • Không trộm cắp
  • Không tà dâm
  • Không nói dối
  • Không uống rượu

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here